Hội nghị báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2023 của Trường PT DTBT Tiểu học Hừa Ngài
Tăng cường tiếng Việt (TCTV) là hoạt động nhằm giúp học sinh chưa biết hoặc biết nói ít tiếng Việt có thể học tập các môn học trong hệ thống giáo dục sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức.
Thực hiện Công văn số 25/PGDĐT-CMTH ngày 08/01/2024 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà về việc sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025;
Chiều ngày 26 tháng 01 năm 2024, Trường PT DTBT Tiểu học Hừa Ngài đã tổ chức Hội nghị báo cáo sơ kết 3 năm kết quả thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2023.
Tại Hội nghị, Hội đồng sư phạm nhà trường đã tổng kết lại kết quả thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2023 và cùng đưa ra phương hướng thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2024-2025.
Với đặc thù về số lượng 100% học sinh là người DTTS, nhà trường đã xác định việc TCTV được coi là “chìa khóa” quan trọng trong công tác giáo dục tại nhà trường, trong 3 năm qua nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả để thực hiện tốt việc TCTV cho học sinh vùng đồng bào DTTS, trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể: công tác truyền thông; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác quản lí, phương pháp, kĩ năng tổ chức các hoạt động giáo dục để TCTV phù hợp với học sinh vùng đồng bào DTTS qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho CBQL-GV; giới thiệu và triển khai áp dụng bộ tài liệu TCTV các lớp 1, 2, 3 sử dụng trong các cơ sở giáo dục tiểu học; TCTV thông qua việc xây dựng thư viện thân thiện, tổ chức tiết đọc thư viện; ….
Cũng tại Hội nghị, các đồng chí là Cán bộ quản lý, giáo viên đã dành nhiều thời gian để trao đổi những khó khăn, bất cập và các giải pháp trong việc thực hiện Đề án TCTV cho học sinh vùng DTTS và việc sử dụng tài liệu dạy học TCTV trong hoạt động giáo dục.
Từ ý nghĩa của việc TCTV cho học sinh vùng đồng bào DTTS cùng với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, nhà trường xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu cho chính quyền địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu phục vụ dạy, học tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào DTTS, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ công tác TCTV cho học sinh. Tuyên truyền, vận động các gia đình tạo mọi điều kiện để thực hiện quyền đi học của trẻ, đến lớp chuyên cần, tăng cường sử dụng tiếng Việt ở gia đình và cộng đồng, để góp phần “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”./.